GIỚI THIỆU MỘT SỐ LOẠI BỘT GIẤY
1. Bột cơ:
1.1. Định nghĩa:
Bột cơ là loại bột giấy được sản xuất bằng phương pháp cơ học, nghĩa là dùng tác dụng cơ học (mài hoặc nghiền) là chính để sản xuất bột giấy.
1.2. Phân loại bột cơ:
Tùy theo cách sản xuất mà bột cơ được chia thành các loại chính sau:
- Bột gỗ mài (SGW: Stone Groundwood): là loại bột được sản xuất bằng cách cho cây gỗ (khúc gỗ) áp mạnh vào bề mặt tấm đá mài quay liên tục, dưới tác dụng của lực ma sát thì từng lớp sợi sẽ được tách ra và tạo thành bột mài.
- Bột gỗ nghiền (RMP: Refined Mechanical Pulp): là loại bột được sản xuất bằng cách cắt cây gỗ thành dăm mảnh nhỏ rồi mới thực hiện quá trình nghiền trong máy nghiền (thường sử dụng máy nghiền đĩa) để tạo thành bột giấy.
- Bột nghiền nhiệt cơ (TMP: Thermo-Mechanical-Pulp): là loại bột được sản xuất bằng cách xông hơi nóng vào dăm mảnh, rồi sau đó mới thực hiện quá trình nghiền dăm mảnh trong máy nghiền đĩa để tạo thành bột giấy.
- Bột nghiền hóa cơ (CRMP: Chemi-Refiner-Mechnical-Pulp) hay bột hóa cơ (CMP: Chemi-Mechanical-Pulp): là loại bột được sản xuất bằng cách xử lý dăm mảnh bằng hóa chất rồi mới nghiền dăm mảnh trong máy nghiền đĩa để tạo thành bột giấy.
- Bột hóa nhiệt cơ (CTMP: Chemi-thermo-Mechanical-Pulp): là loại bột được sản xuất bằng cách xử lý dăm mảnh bằng hóa chất, đồng thời xông hơi nóng hoặc nấu sơ bộ rồi mới nghiền dăm mảnh trong máy nghiền đĩa để tạo thành bột giấy.
1.3. Một số tính chất của bột cơ:
- Bột cơ có chiều dài xơ sợi ngắn (khoảng <1,5>
- Bột cơ có ưu điểm là độ đục cao, tính chất bắt mực in tốt, hiệu suất cao (đạt tới 80-95%, trong khi hiệu suất nấu bột hóa chỉ khoảng dưới 50%) nên có giá thành rẻ, thích hợp để sản xuất các loại giấy như: giấy in báo, giấy in, giấy viết, giấy vệ sinh, giấy bao bì carton.
- Nhược điểm của bột cơ là: Độ bền cơ lý thấp, khó tẩy trắng hơn so với bột hóa và để lâu hay bị vàng.
2. Bột hóa:
Dựa vào phương pháp nấu bột người ta chia thành hai loại:
- Nấu bột theo phương pháp sunphit ® gọi là bột sunphit
- Nấu bột theo phương pháp sunphat ® gọi là bột kraft
Bột hóa có những tính chất sau: Độ bền cơ lý cao, có thể tẩy trắng đến độ trắng cao mà không bị hồi màu. Bột hóa nói chung thích hợp cho sản xuất mọi loại giấy, đặc biệt là các loại giấy cần độ trắng cao và giấy cao cấp.
3. Bột tái sinh:
3.1. Định nghĩa: Bột tái sinh là loại bột thu được từ giấy thu hồi, nghĩa là loại bột đã trải qua quá trình xeo giấy ít nhất là một lần và sau đó lại được sử dụng lại để sản xuất giấy (ở đây không nói đến việc xử lý giấy đứt trong quá trình xeo giấy).
3.2. Phân loại bột tái sinh:
Để thuận tiện cho quá trình sử dụng, người ta thường phân loại giấy thu hồi thành các chủng loại sau đây:
- Giấy bao bì và hộp carton cũ (Old Corrugated Container - OCC): thường được sử dụng lại để sản xuất giấy hộp carton. Quá trình xử lý loại bột giấy tái sinh này thường không cần công đoạn khử mực in.
- Giấy báo cũ (Old Newspaper - ONP) và giấy tạp chí cũ (Old Magazine - OMG): hai loại giấy này có thể gom chung với nhau vì thành phần bột giấy của chúng có điểm giống nhau là có chứa hàm lượng bột gỗ cao (trong đó tỷ lệ bột cơ có thể chiếm tới ³ 70%) và chúng thường được sử dụng lại để sản xuất giấy báo hoặc giấy in, hoặc một phần cũng thường được sử dụng cho quá trình sản xuất giấy vệ sinh và một số loại bìa carton. Qúa trình xử lý loại bột giấy tái sinh này thường gồm các công đoạn chính: đánh tơi thành bột (pulping), loại bỏ tạp chất (screening, cleaning) và nếu sử dụng cho sản xuất giấy báo, giấy in, giấy vệ sinh thì phải có thêm công đoạn khử mực in (deinking).
- Giấy văn phòng hay các loại giấy trắng thu hồi (White waste paper): bao gồm các loại giấy thu hồi như giấy viết, giấy photocopy, giấy trắng in cao cấp,... Quá trình xử lý loại này bao gồm các công đoạn chính: đánh tơi thành bột, loại bỏ tạp chất, khử mực in và tẩy trắng vì chúng thường được dùng để sản xuất các loại giấy trắng như giấy vệ sinh, giấy in.