Những ưu điểm của phương pháp xeo trung tính hoặc kiềm so với phương pháp xeo axit:
Phương pháp xeo trung tính hoặc kiềm tính là phương pháp xeo trong điều kiện môi trường pH = 6.5 – 8.5 khi sử dụng chất độn là canxi carbonat.
Ưu điểm về công nghệ:
- Canxi carbonat được sử dụng vừa làm chất độn, vừa làm chất tráng phủ bề mặt của giấy.
- Cho phép giảm năng lượng điện tiêu thụ trong khâu nghiền bột (vì giảm được độ nghiền mà vẫn giữ được độ bền của giấy), và tiết kiệm được nhiệt lượng trong khâu sấy giấy (ví có CaCO3 thì giấy dễ khô hơn).
- Làm tăng khả năng thoát nước của dòng bột trên lưới xeo.
- Không dùng phèn do vậy giảm được sự tích tụ các ion vô cơ (SO42-, Ca2+, Mg2+, ... do chất độn hòa tan vào môi trường) trong nước trắng.
- Máy xeo, thiết bị phụ trợ ít bị ăn mòn hơn so với phương pháp xeo axit
Ưu điểm về chất lượng giấy:
- Làm tăng độ bền cơ lý của giấy (vì xơ sợi bền hơn trong môi trường trung tính và môi trường kiềm).
- Cho phép tăng tỷ lệ chất độn mà vẫn giữ được độ bền cơ lý theo yêu cầu.
- Cho phép tăng độ đục của giấy (vì tỷ lệ dùng chất độn cao hơn).
- Độ trắng của giấy cao hơn so với khi dùng cao lanh làm chất độn.
- Độ trắng và độ bền của giấy được bền vững hơn theo thời gian, tính chất này vượt trội hơn hẳn so với giấy xeo bằng phương pháp axit.
- Khi cán láng ở điều kiện độ ẩm cao thì giấy không bị vết tỳ đen như đối với giấy xeo bằng phương pháp axit.
Những nhược điểm của phương pháp xeo trung tính và kiềm tính so với phương pháp xeo axit:
Nhược điểm về công nghệ:
- Phải sử dụng các loại keo chống thấm tổng hợp như AKD, ASA, hoặc keo nhựa thông biến tính. Các loại keo này giá cao hơn hẳn so với keo nhựa thông dùng trong phương pháp xeo axit (keo nhựa thông xà phòng hóa).
- Nhiệt độ của dòng bột khi đi qua bộ phận lưới phải nằm trong giới hạn nhất định.
- Nếu sử dụng bột tái sinh từ các loại giấy xeo bằng phương pháp axit thì dễ gặp sự cố trong quá trình xeo bằng phương pháp kiềm.
- Các anion tạp chất có nhiều trong bột cơ sẽ gây nhiều trở ngại trong phương pháp xeo kiềm.
- Dễ gặp hiện tượng tích tụ keo chống thấm làm bẩn chăn lưới, vi sinh vật phát triển mạnh hơn nên chu kỳ phải dừng sản xuất để vệ sinh máy xeo ngắn hơn so với phương pháp xeo axit.
- Các hóa chất phụ gia như chất bảo lưu, chất keo bền ướt, chất màu dùng trong hệ xeo kiềm thì giá thường cao hơn so với phương pháp xeo axit. Chất trắng quang học hầu như không có tác dụng trong hệ xeo kiềm.
Nhược điểm về chất lượng giấy:
- Có thể xảy ra hiện tượng keo chống thấm mất tác dụng sau một thời gian bảo quản giấy (hiện tượng “hồi keo”), nhất là khi sử dụng keo AKD với chất độn là PCC (canxi carbonat kết tủa). Khó kiểm soát mức độ chống thấm của giấy.
- Nếu sử dụng bột cơ để sản xuất giấy bằng phương pháp xeo kiềm (pH > 7.5) thì dễ gặp hiện tượng bột bị sẫm màu đi, do trong môi trường kiềm thì lignin trong bột cơ bị vàng sẫm màu đi.
- Giấy có độ láng thấp.
Tại phân xưởng sản xuất carton của nhà máy hiện nay, khi sản xuất carton Duplex trắng (White top) hoặc TESTLINER 04 thì thường được xeo trong môi trường trung tính (pH khoảng 6.5 đến 7.0) và chất chống thấm sử dụng là keo AKD loại HERCON TD-15 (đã giới thiệu ở trên) (phương pháp này dùng NaOH để tạo môi trường) . Với các sản phẩm carton TESTLINER 01, 02 thì có khi xeo trong môi trường axit (pH khoảng 4.5 đến 5.0) với chất chống thấm sử dụng là keo Hi-pHaseR 35 (phương pháp này dùng axit HCl để tạo môi trường), hoặc cũng có khi xeo trong môi trường trung tính (giống như sản xuất TESTLINER 04).