Chuyển đến nội dung chính

Tính chất bìa carton

Tính chất bìa carton:

Tính chất quan trọng nhất đối với phần lớn các loại bìa carton là độ cứng (hay còn được hiểu là độ kháng bẻ cong). Thông thường, bìa carton sản xuất ra thường được kiểm tra các chỉ tiêu sau:

a- Các chỉ tiêu kỹ thuật:

· Định lượng (g/m2): là khối lượng của một mét vuông giấy hoặc carton. Đơn vị của định lượng là g/m2.

· Độ dầy (µm): là chiều dầy của tờ bìa carton, có thể xác định bằng cách đo độ dầy từng tờ hoặc đo độ dầy của từng tập rồi lấy giá trị trung bình, kết quả tính bằng micromet (µm).

Độ dầy là một đặc tính quan trọng ảnh hưởng tới độ cứng của bìa carton.

· Độ chịu bục (Độ bền thủng) (kPa, kgf/cm2): là áp lực lớn nhất làm tờ giấy bị bục ra (khả năng chống lại lực tác dụng vuông góc với mẫu giấy làm mẫu giấy bị bục ra). Đơn vị tính là kPa hay kgf/cm2.

· Độ cứng (mN): là lực cần thiết để uốn mẫu thử đã được kẹp chặt một đầu qua một góc uốn xác định (7,50 hoặc 150). Đơn vị tính là miliniutơn (mN).

Độ cứng phụ thuộc độ xốp hay chiều dầy của tờ bìa.

· Độ bền nén vòng (độ chịu nén)(N, kgf): là lực nén lớn nhất mà mẫu thử chịu được trước khi bị bẹp xuống (mẫu thử được cuộn vòng đặt thẳng góc với hai mặt phẳng nén). Có thể xác định độ chịu nén vòng theo chiều dọc (độ chịu nén theo chiều dọc) hoặc theo chiều ngang (độ chịu nén theo chiều ngang) của tờ bìa. Đơn vị tính là niutơn (N) hay kilogam lực (kgf).

· Độ hút nước (Độ Cobb): là khả năng thấm hút nước trong một khoảng thời gian xác định của giấy và carton đã gia keo. Đơn vị tính là g/m2.

· Độ chịu gấp (đôi lần): là số lần gấp kép (đôi lần) cho đến khi tờ bìa bị đứt. Đơn vị tính là số lần đôi (đôi lần).

· Chiều dài đứt (km): là chiều dài băng giấy có trọng lượng tương ứng bằng lực kéo để làm đứt băng giấy đó. Đơn vị tính là kilomét (km).

· Độ trắng ISO (%): là giá trị phản xạ ánh sáng xanh của giấy, carton và bột giấy, được biểu thị bằng phần trăm (%).

b- Các chỉ tiêu ngoại quan:

- Độ đồng đều: Giấy phải đồng đều về độ dầy, không bị nhăn,gấp, xếp ly, thủng , rách, bẩn.

- Bề mặt giấy: Bề mặt giấy láng, không tạp chất, mè đen, không bị cát. Mặt giấy không được lủng, pháo, dộp.

- Giấy mặt hoặc giấy trắng phải được bọc một lớp ngoài cùng bằng giấy hai da, mặt màu đưa ra ngoài.

- Mối nối: Số mối nối trong mỗi cuộn không được lớn hơn 2 đối với cấp A, không được lớn hơn 3 đối với cấp B. Chỗ nối phải được đánh dấu rõ ràng và được nối chắc bằng băng keo dán theo suốt chiều rộng cuộn.

- Lõi cuộn: Lõi cuộn giấy phải cứng , không được móp méo, lồi ra hoặc hụt so với mặt cắt của cuộn giấy quá 5mm. Đường kính lõi là 76mm.

- Mặt cắt: Các mép giấy cắt phải thẳng, phẳng, không bị xơ xước.

- Màu sắc: Đồng đều màu cả lô.

- Đường kính cuộn: Đường kính cuộn giấy thành phẩm phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn hoặc theo đúng yêu cầu của khách hàng.

Bài xem nhiều

Keo nhựa thông

* Keo nhựa thông : Là loại keo được sử dụng nhiều nhất và được điều chế từ axit abietic C 19 H 29 COOH (còn gọi là nhựa thông, tùng hương, côlôphan). Nhựa thông là chất rắn kỵ nước (không tan trong nước, nhưng dễ hòa tan trong môi trường hữu cơ như: cồn, xăng, ête,…), do vậy muốn dùng làm chất chống thấm thì nhựa thông phải được chế biến để có thể phân tán thành những hạt thật mịn trong nước và có thể bám lên bề mặt xơ sợi làm cho giấy cũng mang tính kỵ nước. Có hai cách để chế biến keo nhựa thông thành keo chống thấm: - Cách một: Nấu nhựa thông với dung dịch kiềm hoặc xôđa để thực hiện phản ứng xà phòng hóa một số axit nhựa có trong nhựa thông, làm cho nhựa thông trở thành dạng tan trong nước. Keo nhựa thông thu được gọi là keo dạng kiềm hay là keo xà phòng hóa. - Cách hai: Chế biến nhựa thông thành những hạt có kích thước hạt rất nhỏ mà thành phần vẫn là các axit nhựa hầu hết đều chưa bị xà phòng hóa nhưng có thể phân tán trong nước trước khi gia vào dòng bột giấy. Keo nhựa thô...

MỘT SỐ LOẠI BỘT GIẤY

GIỚI THIỆU MỘT SỐ LOẠI BỘT GIẤY 1. Bột cơ: 1.1. Định nghĩa: Bột cơ là loại bột giấy được sản xuất bằng phương pháp cơ học, nghĩa là dùng tác dụng cơ học (mài hoặc nghiền) là chính để sản xuất bột giấy. 1.2. Phân loại bột cơ: Tùy theo cách sản xuất mà bột cơ được chia thành các loại chính sau: - Bột gỗ mài (SGW: Stone Groundwood): là loại bột được sản xuất bằng cách cho cây gỗ (khúc gỗ) áp mạnh vào bề mặt tấm đá mài quay liên tục, dưới tác dụng của lực ma sát thì từng lớp sợi sẽ được tách ra và tạo thành bột mài. - Bột gỗ nghiền (RMP: Refined Mechanical Pulp): là loại bột được sản xuất bằng cách cắt cây gỗ thành dăm mảnh nhỏ rồi mới thực hiện quá trình nghiền trong máy nghiền (thường sử dụng máy nghiền đĩa) để tạo thành bột giấy. - Bột nghiền nhiệt cơ (TMP: Thermo-Mechanical-Pulp): là loại bột được sản xuất bằng cách xông hơi nóng vào dăm mảnh, rồi sau đó mới thực hiện quá trình nghiền dăm mảnh trong máy nghiền đĩa để tạo thành bột giấy. - Bột nghiền hóa cơ (CRMP: Ch...

Chất trợ bảo lưu

Chất trợ bảo lưu: Các chất độn hóa học cùng với xơ sợi mịn có xu hướng thoát qua lưới cùng với nước trắng trong quá trình hình thành tờ giấy ướt trên lưới máy xeo (do chúng có kích thước nhỏ hơn so với mắt lưới). Vì vậy sự bảo lưu chất độn thấp làm giảm nồng độ chất độn, xơ sợi mịn thoát qua lưới nhiều ảnh hưởng đến tốc độ và công suất vận hành máy xeo, ô nhiễm môi trường nước, … Để nâng cao hiệu quả của quá trình bảo lưu chất độn và xơ sợi mịn trong giấy, người ta sử dụng các chất trợ bảo lưu hóa học, nó rất cần thiết đối với loại giấy dùng nhiều chất độn. Khái niệm về sự bảo lưu, độ bảo lưu và chất trợ bảo lưu: Sự bảo lưu : là sự giữ lại các hạt mịn như: các xơ sợi mịn, các hạt chất độn, các hạt keo chống thấm trên tấm giấy trong qúa trình thoát nước của huyền phù bột khi đi qua bộ phận lưới của máy xeo. Đối với một quá trình xeo giấy, sự bảo lưu tốt hay xấu được biểu thị bằng độ bảo lưu của các hạt mịn trên trong quá trình xeo. Độ bảo lưu : được biểu thị bằng tỷ lệ phần tr...